LILAMA miệt mài nhắm đích xuất khẩu dịch vụ xây lắp
Chuyến bay của VJ chở hơn 200 lao động từ Brunei về Việt Nam hồi giữa tháng 8/2020 là chỉ dấu đầu tiên của việc hoàn tất những phần công việc mà LILAMA đảm nhận tại Dự án Nhà máy phân bón A/U Brunei có vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ USD.
LILAMA - Tổng thầu EPC công trình nhiệt điện Sông Hậu 1
Tự tin chinh phục
Có quy mô 2.200 tấn ammonia và 3.900 tấn ure/ngày, Dự án Nhà máy phân bón A/U Brunei tại Vương quốc Brunei được xây dựng trên diện tích 23 ha và 3,3 km cầu tàu xuất sản phẩm. Brunei Fertilizer Industries Sdn Bhd (BFI) - chủ đầu tư của dự án có vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ USD đã chọn Thyssenkrupp Industrial Solution AG (tkIS) là tổng thầu EPC với tiến độ hợp đồng là 42 tháng (từ tháng 10/2017 đến tháng 03/2021).
Theo phạm vi Hợp đồng với tkIS, công việc của LILAMA tại Dự án này là gia công chế tạo lắp đặt cơ khí từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2020 (23 tháng), bao gồm cả thi công sơn và bảo ôn.
Ông Đặng Thiện Thuận, Giám đốc Dự án Brunei của LILAMA cho hay, thực ra LILAMA chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện một dự án hoàn chỉnh tại nước ngoài. Do vậy khi biết thông tin về các phần công việc mà mình có thể làm được, LILAMA đã phải tổ chức thực hiện việc nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Brunei, các thủ tục pháp lý liên quan để thực hiện thi công dự án nhằm phục vụ cho công tác đấu thầu.
Những công việc như lắp đặt kết cấu thép, lắp đặt thiết bị, bồn bể, lắp đặt ống, thi công sơn, thi công bảo ôn hay hỗ trợ công tác chạy thử tại Dự án ở Brunei không có gì xa lạ với người thợ LILAMA khi đã từng đảm nhiệm thi công lắp máy, làm kết cấu tại nhiều công trình lớn mang tầm cỡ khu vực như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất, Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn… trong nhiều năm qua đã giúp giành được gói thầu có trị giá hơn 80 triệu USD ở nơi xa xôi.
“Nhờ có kinh nghiệm đúc kết được qua việc thực hiện thành công rất nhiều dự án công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam, LILAMA đã tự tin cũng như đánh giá đúng và chính xác khối lượng, quy mô, độ phức tạp của công việc được thực hiện để đưa ra các kế hoạch thi công, kế hoạch thực hiện dự án một cách hợp lý nhất. Đây chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng được bản chào giá, các đề xuất kỹ thuật hợp lý để được lựa chọn là nhà thầu lắp đặt cơ khí của dự án”, ông Thuật nói.
Nhanh chóng bắt tay vào triển khai công việc để đảm bảo tiến độ của hợp đồng đã ký, thời kỳ cao điểm nhất là tháng 1/2020, có tới 1.600 cán bộ công nhân viên LILAMA từ Việt Nam sang làm việc tại Dự án.
Để đảm bảo được yêu cầu của công việc, ngoài phần đông nhân lực được tuyển chọn từ lao động hiện có tại các đơn vị thành viên, LILAMA cũng đã tuyển chọn thêm một số công nhân có tay nghề cao, có kinh nghiệm thi công tại nước ngoài.
Ở thời điểm này, công việc theo hợp đồng đã hoàn tất. Theo kế hoạch, từ nay tới tháng 11/2020, sẽ có 10 chuyến bay để đưa các lao động LILAMA về nước và chỉ còn khoảng 200 lao động để phục vụ chạy thử của dự án bởi hiện chuyên gia Đức vẫn chưa sang được Brunei do Covid.
Trên công trường Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn
Cúi mặt học mới mong đi xa
Từng thi công một số gói thầu tại Lào, Campuchia cũng như chấp nhận đóng cửa văn phòng tại Arap Saudi, không dám nhận hợp đồng sau khi khảo sát vì chi phí cao mà giá trị gói thầu thấp, điều mà ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc LILAMA tâm đắc nhất ở dự án Brunei chính là đã giúp cho doanh nghiệp học hỏi được kinh nghiệm quốc tế trên nhiều mặt, từ quan hệ ngoại giao, thi công công trình lẫn luật pháp quốc tế. Chưa kể, mục tiêu ban đầu khi triển khai dự án này là huề vốn thì bây giờ đã cầm chắc phần thắng, tiền nong thanh toán đúng tiến độ.
Trực tiếp tham gia điều hành dự án tại Brunei, ông Thuật cũng thừa nhận, bản thân mình và các nhân sự quản lý tại dự án có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như xây dựng và đúc kết được các bước và quy trình để thực hiện một dự án thi công xây lắp tại nước ngoài. Điểm được nữa qua việc thực hiện Dự án Nhà máy phân bón A/U Brunei đó là loại bỏ sự e dè, tạo sự tự tin vững chắc cho các cấp lãnh đạo và cán bộ quản lý trong việc tiếp tục mở rộng thi trường, mở rộng sản xuất kinh doanh ra thị trường nước ngoài.
“Trước kia mình đi làm thuê cho các nhà thầu nước ngoài, rồi khi năng lực được nâng lên thì tại một số dự án ở Việt Nam thì mình lại thuê nhà thầu nước ngoài và giờ là đi ra nước ngoài. Hiện LILAMA đã có thể đảm nhiệm được tới 50-60% gói thầu nhà máy trọn gói, còn các phần như thiết kế công nghệ, chế tạo các thiết bị lớn và tinh có giá trị cao trong gói thầu đều thuộc về những ông lớn thế giới”, ông Lê Văn Tuấn nói.
Với chất lượng đã được khẳng định,LILAMA cũng là cái tên được nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài tìm đến khi triển khai tại Việt Nam. Hiện màu áo xanh lắp máy đang hiện diện tại các công trình đường ống Nam Côn Sơn 2 phần trên bờ, Dự án hoá dầu Long Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhiệt điện Vân Phong….
“Ngoại trừ phần việc tại Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 với gói thầu khoảng 800 tỷ đồng là của doanh nghiệp Nhà nước chiếm chi phối vốn, các công trình mà LILAMA đang thi công hiện nay đều có vốn đầu tư nước ngoài. Là doanh nghiệp chuyên về xây lắp, không tham gia kinh doanh bất động sản, việc có việc làm tại các dự án vốn nước ngoài được triển khai tại Việt Nam và bên ngoài Việt Nam cũng giúp giải toả sức ép cho LILAMAở thời điểm hiện nay để có nguồn thu, nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp, làm điểm tựa giữ được chân nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật đã qua đào tạo và có kinh nghiệm, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid năm 2020”, ông Tuấn chia sẻ.
Với khoảng 60% lực lượng LILAMAđang làm việc trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hay ở nước ngoài trong năm 2020, trăn trở nâng tầm thợ cơ khí Việt Nam luôn đau đáu với những người lãnh đạo, đặc biệt là ngoại ngữ. Để thực hiện điều này, hai trường cao đẳng Lắp máy 1 và Lắp máy 2 sẽ tiến hành đào tạo ngoại ngữ và cấp chứng chỉ đồng thời với đào tạo nghề.
Bên cạnh mong muốn nhân rộng thành công tại Brunei để xuất khẩu dịch vụ lao động sang một số dự ánđang tìm hiểu tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi, lãnh đạoLILAMA cũng kỳ vọng sẽ có thêm những chính sách cụ thể từ phía Chính phủ để động viên các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam đi được nhiều hơn, xa hơn, thậm chí có khả năng chi phối và tạo ra giá cả cạnh tranh khi thực hiện các dự án như một số nước lân cận đã triển khai.
“Như vậy thay vì xuất khẩu lao động phổ thông thông thường Việt Nam sẽ tham gia được vào lĩnh vực xuất khẩu khẩu dịch vụ lao động, có kỹ năng kinh nghiêm và thu về giá trị cao hơn”, ông Tuấn nói.
Brunei là đất nước Hồi giáo, có nhiều quy định nghiêm khắc về phong tục và đời sống như cấm mua bán sử dụng rượu bia, thuốc lá. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến và quản lý người lao động tuân thủ các quy đinh của nước sở tại là một thách thức rất lớn. Không chỉ xây dựng khu cư khá tập trung với sức chứa 1.800 người ngay tại khu vực dự án nhằm thuận lợi cho việc sắp xếp ăn ở, quản lý an ninh, quản lý sinh hoạt của người lao động, lãnh đạo của LILAMA tại dự án cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật Brunei, truyền thống và phong tục của người Hồi giáo. Hàng loạt các khu thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… đã được thiết lập để người lao động vui chơi, thư giãn sau giờ làm việc. Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp các bữa ăn mang đậm khẩu vị của Việt Nam, LILAMA đã huy động trên 40 đầu bếp người Việt sang Brunei nhằm đảm bảo khẩu vị ăn uống, dinh dưỡng và sức khỏe cho số lượng lớn người lao động khi không ở quê nhà, nhằm thực hiện tốt công việc đã nhận. |
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc LILAMA Qua dự án Brunei và các dự án đang làm cho các FDI, LILAMAtiếp tục trưởng thành lên ra sao? Thứ nhất là hệ thống quản lý, quản trị rõ ràng, minh bạch. Dự án Lọc dầu Dung Quất mà giám đốc hiện trường (site maneger) người nước ngoài nghỉ phép 2 tuần nhưng công trường vẫn ổn, vẫn hoạt động bình thường. Nên mình học được họ về phân việc rõ ràng trong dự án, quản trị dự án tốt Tiếp đó, người lao động của mình nâng cao được ý thức vì kỷ luật lao động rất nghiêm. Không phải là về kỹ thuật mà đầu tiên phải là ý thức về lao động, sự siêng năng, tỉ mỉ giờ giấc và trung thực. Về mặt kỹ thuật cũng học được nhiều thứ. Nhưng điều này phụ thuộc vào sự ham học hỏi của từng người. Có kỹ sư già người Hàn Quốc đã nói với tôi, LILAMAphải rèn cho kỹ sư tinh thần tự học hỏi trong công việc. Nếu kỹ sư trẻ ra công trường mà thích chắp tay đi lại ngó trời, ngó mây, nhìn điện thoại, không chăm chú ghi chép, tỉ mỉđể rút kinh nghiệm với nhau thì trưởng thành rất khó. Cũng đừng chờ tới khi có môi trường làm việc tốt mới cống hiến. Nước ngoài họ tinh lắm, khi làm cùng, họ đã để ý tới năng lực của từng người. Ai làm tốt, có trách nhiệm họ sẽ tìm cách mời chào với đãi ngộ lớn. Thương hiệu của từng cá nhân có được chỉ bằng cách làm tốt cho ông chủ hiện nay để người khác nhìn vào và thấy được thành quả. Đừng chờ đợi tới khi có ông chủ tốt hơn thì sẽ thể hiện khả năng của mình. Việc tuyển công nhân cơ khí của LILAMA có gì khó khăn không, thưa ông? Các KCN phát triển tại nhiều địa phương khiến cho các lao động muốn làm tại nhà, thu nhập có thể chỉ bằng 70% của lắp máy nhưng ở gần nhà vẫn ổn hơn. Chưa kể thời gian qua tuyển công nhân đi học trường nghề rất khó bởi học sinh tốt nghiệp xong thường muốn đi học đại học. Tuy nhiên, độ 1-2 năm trở lại đây việc tuyển sinh có tốt hơn, có lẽ vì nhiều bạn trẻ học đại học xong không kiếm được việc trong khi học công nhân ra lại có việc ngay và lương cũng khá, nên có sự suy nghĩ lại, thực tế hơn. |
Thanh Hương
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận