Lilama: Những kiến nghị cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển

11/10/2019 08:47

Thực tế hiện nay, với nguồn lực hạn chế về tài chính, công nghệ yếu, kinh nghiệm quản trị lạc hậu so với quốc tế, nếu không có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước, định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn, nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm.

 Nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước chưa đến được với doanh nghiệp cơ khí

Tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” diễn ra ngày 24/9 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, có rất ít thương hiệu trong nước, chủ yếu là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh, mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu trong nước.

Theo TS Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), phát triển công nghiệp cơ khí sẽ đem lại lợi nhuận đến vài chục tỉ USD trong một, hai chục năm tới, nhất là khi triển khai đầu tư các nhà máy công nghiệp, các công trình lớn của đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Sáng, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa làm chủ việc thiết kế các máy móc, thiết bị hoặc các nhà máy công nghiệp, nên chưa có khả năng thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, giá thành sản phẩm cao, các doanh nghiệp không tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thực tế, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, nhiều cơ chế chính sách cho phát triển cơ khí, song ách tắc ở khâu thực hiện nên DN cơ khí không hưởng được các cơ chế chính sách ấy. Cụ thể là những ưu đãi về cho thuê đất, về vốn vay, về những chính sách hỗ trợ…

Giải pháp nào cho ngành cơ khí?

Trước thực tế này, là một người tâm huyết và gắn bó với sự phát triển của ngành cơ khí nước nhà, ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đưa ra những đóng góp và kiến nghị nhằm thúc đẩy ngành chế tạo cơ khí trong nước.

          Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị

Thứ nhất, phải quy định rõ ràng và giám sát thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tư nhân, FDI… Cần có một chế tài cụ thể về việc, nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể chế tạo, sản xuất được bắt buộc do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện. Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư.

Thứ hai, Nhà nước với vai trò điều tiết vĩ mô của nền kinh tế tập trung khuyến khích, ưu tiên phát triển lĩnh vực nguyên liệu đầu vào như luyện kim, các sản phẩm đúc, rèn… Thực tế hiện nay, ngành luyện kim trong nước chưa phát triển nên hầu hết các DN cơ khí trong nước phải đi nhập nguyên liệu, thêm khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối tác nước ngoài về giá cả, tiến độ…

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, ngành cơ khí tuy là ngành “xương sống” của nền kinh tế, nhưng lại chưa có được một cơ quan chủ quản “xứng tầm” để quản lý. Chính vì thế, ông Tuấn kiến nghị nhà nước xem xét thành lập cơ quan chủ quản ngang cấp tổng cục để quản lý, điều hành giám sát, hỗ trợ kịp thời với mục đích thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam.

Các Tổng hội cơ khí, Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí với vai trò trung gian, cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cơ khí cần nâng cao, tham gia sâu với vai trò định hướng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp cơ khí.

Đối với việc quản lý lao động nhập cư tham gia trực tiếp vào ngành cơ khí chế tạo, cần phải ban hành chính sách quản lý chỉ cho phép cấp quota cho các lao động có trình độ cao như là nhân sự cho nghiên cứu phát triển, tư vấn thiết kế chế tạo cho các dây chuyền thiết bị đồng bộ mà nhân lực trong nước chưa đáp ứng được về trình độ, kinh nghiệm. Sở dĩ có kiến nghị này bởi tại nhiều dự án nước ngoài trúng thầu (đặc biệt là Trung Quốc), họ đem toàn bộ công nhân sang Việt Nam làm việc. Như vậy, người lao động Việt Nam nguy cơ không có việc làm lại càng cao.

Xem xét ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế, miễn giảm tiền thuê đất

Ngoài ra, ông Lê Văn Tuấn cũng kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện để phát triển ngành cơ khí chế tạo. Cụ thể, ông Tuấn cho rằng, để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến 2035 theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/03/2018 của Thủ tướng chính phủ, Nhà nước cũng nên xem xét ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể cho các DN cơ khí.

Thứ nhất, về chính sách thuế. Ông Tuấn đề nghị xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035 với mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0%, từ 2025 đến 2030 là 5%, sau 2030 là 10%. Xem xét miến thuế thu nhập cá nhân đối với các DN cơ khí hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xem xét miễn giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo: Miễn tiền thuê đất trong vòng 10 năm đầu tiên với các cơ sở thiết lập mới, giảm một phần tiền thuê đất đối với các cơ sở thiết lập mới sau 10 năm và các cơ sở chế tạo đã được thiết lập đang hoạt động.

Thứ hai, về các hàng hóa thiết bị trong nước sản xuất được. Ông Tuấn cũng đề nghị cần ban hành Nghị định qui định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất được phải sử dụng trong nước không cho phép nhập khẩu áp dụng với tất cả các nguồn vốn đầu tư (Nhà nước, tư nhân, FDI…). Việc này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ khi từ giai đoạn lập, qui hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong luật đầu tư, luật đấu thầu…

Thứ ba, về chính sách tín dụng. Ông Tuấn cũng đề nghị cần xem xét các gói tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, ổn định áp dụng cho vay dài hạn để đầu tư các cơ sở vật chất và ngắn hạn sử dụng để vận hành sản xuất, chế tạo.

Thứ tư, cần xem xét thành lập cơ quan chủ quản ngang cấp tổng cục để qui hoạch, quản lý, điều hành giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại,….kịp thời với mục đích thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam. Nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, qui chuẩn cho các sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế. Ban hành qui định và giám sát chặt chẽ đối với lao động nhập cư trình độ cao tham gia lĩnh vực chế tạo cơ khí tại Việt Nam.

Nguyễn Duyên

 

 

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận