LILAMA trên những công trình trọng điểm
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia, lĩnh vực, hiện vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam là một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Nước ta đã có sự kiểm soát dịch bệnh thành công bước đầu, nhưng Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa một số ngành như: xuất, nhập khẩu, lao động, hàng không, giáo dục... Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước khắc phục khó khăn và tìm các biện pháp thích ứng để tồn tại và phát triển.
Dồn sức đáp ứng tiến độ
Là một công trình trọng điểm khu vực phía Nam, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 1.200 MW được Tổng thầu EPC LILAMA triển khai lắp đặt đạt 95,78% công việc, hiện đang tiến hành các bước tiếp theo sau khi hòa đồng bộ 2 tổ máy lên lưới điện quốc gia như: nhập than và đốt than, hiệu chỉnh tổ máy đạt công suất thiết kế, tối ưu vận hành hệ thống, chạy tin cậy và bàn giao cho chủ đầu tư vận hành thương mại theo đúng tiến độ đề ra.
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hòa đồng bộ lên lưới điện Quốc gia
Trước đó, tổ máy số 1 và 2 đã được tổng thầu LILAMA phối hợp với các đơn vị hòa đồng bộ lên lưới điện Quốc gia vào các ngày 26/11/2020 và 27/1/2021. Việc hòa đồng bộ hai tổ máy đã đánh dấu sự nỗ lực vượt lên khó khăn, vướng mắc của tổng thầu LILAMA để đảm bảo tiến độ dự án.
Sau thành công trên vai trò tổng thầu EPC các dự án điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Vũng Áng 1, việc hòa động bộ 2 tổ máy số 1 và 2 nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 lên lưới điện Quốc gia khẳng năng lực tổng thầu EPC của LILAMA, có thể đảm nhiệm và hoàn thành tốt các dự án năng lượng trong nước và quốc tế đảm bảo an toàn chất lượng và tiến độ.
Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 vào Quý II/2021 và tổ máy số 2 vào Quý III/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/09/2019.
Để hoàn thành các mốc quan trọng tiếp của dự án nhiệt điện sông Hậu 1 theo như kế hoạch, LILAMA và các nhà thầu rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo từ các đồng chí Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc đảm bảo dòng tiền cho các Nhà thầu thi công đồng thời kiến nghị Tập đoàn báo cáo Chính phủ xin cơ chế đặc thù cho phép chuyên giacung cấp thiết bị được nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện công việc chạy thử tại Dự án.
Những tấn than đầu tiên đã được nhập về kho than của nhà máy phục vụ cho việc vận hành, chạy thử bằng than
Nhà máy NMNĐ Sông Hậu 1 công suất nằm trong Quy hoạch chung của Trung tâm điện lực (TTĐL) Sông Hậu do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm Tổng thầu EPC. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/ năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Một dự án trọng điểm trong lĩnh vực dầu khí là dự án hóa dầu Long Sơn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đang được các nhà thầu tích cực thi công. Đây là những công trình quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, qua đó khẳng định trình độ chuyên môn cũng như tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam.
Được đánh giá là một trong những dự án công nghiệp nặng quan trọng nhất ở khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD, dự án hóa dầu Long Sơn hiện đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng đến mục tiêu vận hành thương mại vào cuối năm 2022.
Đơn vị thi công đang tiến hành lắp đặt thiết bị tại dự án
Không giống dự án khác có một tổng thầu phụ trách chung, đặc thù của dự án hóa dầu Long Sơn là có 5 tổng thầu đảm nhiệm điều tiết 5 khu vực khác nhau. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa các nhà thầu để đồng bộ các hạng mục là vấn đề được quan tâm hàng đầu trên công trường.
Tham gia 3/5 gói thầu của dự án, Lilama đã triển khai lượng lớn nhân lực với khoảng 1.200 kỹ sư, công nhân và các máy móc, thiết bị hiện đại . Theo ông Lê Hải Long, Giám đốc Ban dự án Hóa dầu Long Sơn của Lilama, tại dự án này, Tổng công ty đảm nhận các công việc: Lắp đặt kết cấu thép, thiết bị và ống, lắp đặt thiết bị điện, bảo ôn, kết cấu bê tông đúc sẵn, thang máng cáp...
Làm việc với 3 đơn vị tổng thầu khác nhau, do vậy, trong quá trình thi công có một số vấn đề phát sinh đòi hỏi phải xử lý kịp thời, các giải pháp thi công cũng phải đa dạng, phù hợp với từng hạng mục. Tất cả công việc đều được lên kế hoạch chi tiết với từng mốc tiến độ cụ thể để bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các nhà thầu. Đến nay, 3 gói thầu có sự tham gia của Lilama đều đáp ứng được tiến độ đề ra.
Gói thầu G được bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2020, hiện tại hầu hết các công việc ở gói đầu đang ở giai đoạn cao điểm, đặc biệt là phần lắp đặt ống và phần lắp đặt cáp điện. Tiến độ thi công các công việc cơ bản đáp ứng kế hoạch của Tổng thầu, khối lượng thi công tổng thể đạt khoảng 65% toàn bộ khối lượng công việc. Kế hoạch trong năm 2021 sẽ tập trung vào lắp đặt ống và thiết bị điện, tiến độ thi công toàn bộ gói thầu dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 9/2021.
Gói thầu A1 được LILAMA đã triển khai thi công cho hầu hết các công việc tại gói thầu. Hiện tại, đã hoàn thành công tác lắp đặt kết cấu bế tông đúc sẵn và lắp đặt giàn giáo chung. Công tác bàn giao mặt bằng và cung cấp vật tư kết cấu thép, thiết bị từ Tổng thầu liên tục bị chậm so với kế hoạch (tiến độ cấp thiết bị chậm khoảng 2,5 tháng so với hợp đồng) nên LILAMA chưa để đẩy nhanh công tác lắp đặt kết cấu thép, thiết bị kéo theo đó là cả công tác lắp đặt ống. Do vậy, khối lượng thi công mới đạt khoảng 35% khối lượng công việc. Chủ yếu khối lượng thi công gói thầu sẽ tập trung trong năm 2021.
Gói thầu B còn gặp một số khó khăn, chưa đẩy nhanh được vì điều kiện mặt bằng và cung cấp thiết bị chậm so với yêu cầu", ông Lê Hải Long chia sẻ. Để đáp ứng tiến độ chung, Lilama sẵn sàng kế hoạch tăng ca, tăng kíp, bổ sung nhân lực, thiết bị, phối hợp chặt chẽ với các tổng thầu và đơn vị liên quan, bảo đảm chất lượng từng hạng mục công việc, phấn đấu đưa dự án về đích đúng hẹn.
Hệ thống ngầm gắn kết đất liền và biển khơi
Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, công trình quan trọng để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam đang thực hiện những công đoạn hoàn thiện cuối cùng.
Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2015 với chiều dài 151km. Tuyến đường ống này đóng vai trò kết nối, thu gom khí khai thác từ các mỏ thuộc bể Nam Côn Sơn vận chuyển về bờ, cung cấp cho khu vực Nam Bộ. Dự án tiếp tục được triển khai giai đoạn 2 với đường ống biển dài khoảng 118km và đường ống bờ dài gần 40km.
Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 được lắp đặt trên những địa hình, địa chất phức tạp...
Là đơn vị đảm nhận thi công đường ống bờ của dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. "Tuyến ống bờ gồm hai phần, đoạn có đường kính 26 inch dài khoảng 10km từ trạm tiếp bờ Long Hải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đến Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và đoạn có đường kính ống 30 inch dài 29km từ Dinh Cố đến Trạm phân phối khí Phú Mỹ. Sau 6 tháng thi công, từ tháng 6 đến tháng 12-2020, tuyến ống đã hoàn thành, đang hoạt động ổn định. Công việc còn lại của chúng tôi hiện nay là hoàn trả mặt bằng và một số hạng mục hoàn thiện", ông Nguyễn Đức Hậu, Phó giám đốc Ban dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (Lilama) cho biết.
Thời gian triển khai tuyến ống bờ của dự án cũng là giai đoạn mùa mưa ở khu vực Đông Nam Bộ, vì vậy đơn vị thi công gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Đức Hậu, tuyến ống có đoạn đi qua khu dân cư, nơi lại là vùng đầm lầy, thường xuyên ngập nước, vì địa hình đa dạng, phức tạp, đường ống mới đi song song với hai tuyến ống hiện hữu đang vận hành nên quá trình thi công phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Có vị trí đơn vị thi công gặp phải lớp đá cứng, đoạn ống dài hơn 200m nhưng mất hơn 3 tháng mới hoàn thành. Ông Lê Văn Bạo, kỹ sư giám sát kỹ thuật của Lilama chia sẻ, công đoạn mất thời gian nhất là khoan phá lớp đá cứng, phải làm thủ công để bảo đảm an toàn cho các tuyến ống đang khai thác.
Thời gian cao điểm, các tốp kỹ sư, công nhân làm việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. "Có đoạn chúng tôi gặp phải mạch nước ngầm, nước tuôn lên xối xả, vừa thi công, vừa dùng máy bơm hút nước. Mặt bằng công trường chật hẹp, để lắp được đường ống, nhiều chỗ phải đào sâu, luồn xuống dưới tuyến ống đang hoạt động", ông Lê Văn Bạo nói. Việc hoàn thành đường ống bờ của tuyến Nam Côn Sơn 2 bảo đảm tiến độ là nỗ lực lớn của nhà thầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu vận chuyển khí ngày càng cao của cả nước.
Duy Tình – Mạnh Hưng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận