Lựa chọn công nghệ, thiết bị dự án nhiệt điện hiệu quả
Chung quanh việc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) mời thầu quốc tế gói Tổng thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 thời gian gần đây, theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia, xét trong bối cảnh cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng vẫn bảo đảm đúng các quy định về đầu tư, việc lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp cho dự án là hết sức cần thiết để rút ngắn thời gian, sớm triển khai xây dựng, đồng thời tránh "vết xe đổ" của những dự án kém hiệu quả trước đây.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - Nhơn Trạch 4 (Nhơn Trạch 3&4) do PV Power làm chủ đầu tư, tổng công suất dự kiến khoảng 1.500 MW. Đây là dự án nhà máy điện có công suất lớn sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam, mở ra một hướng phát triển năng lượng thân thiện với môi trường, phù hợp xu thế hạn chế phát thải CO2 toàn cầu để thay thế toàn bộ các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Yêu cầu cao về công nghệ
Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí đã có chỉ thị rất cụ thể cho chủ đầu tư PV Power phối hợp các cơ quan chức năng để khẩn trương hoàn thành đàm phán, sớm ký hợp đồng mua bán khí - điện và triển khai lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ đã được phê duyệt; đưa Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 vào vận hành đồng bộ với kho LNG Thị Vải. Theo ý kiến của PV Power, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, Hồ sơ mời thầu gói Tổng thầu EPC nhà máy đã được phát hành, bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, bám sát nội dung thiết kế cơ sở được Bộ Công thương thẩm định, đồng thời đưa ra các yêu cầu với mục đích có được một nhà máy điện hiệu suất cao nhất, chi phí sản xuất điện thấp nhất cũng như khả năng vận hành an toàn, tin cậy nhất. Đến ngày 23/8, gói thầu đã chính thức đóng để triển khai công tác chấm thầu.
Cần phải nói thêm rằng, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 212/TTg-CN ngày 13/2/2017, chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh các dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4 theo đề xuất của Bộ Công thương, trong đó yêu cầu: "...Việc lựa chọn công nghệ tua-bin khí sao cho bảo đảm công nghệ đã được kiểm chứng qua kinh nghiệm vận hành thương mại, hiệu suất cao...". Do vậy, "việc hồ sơ mời thầu yêu cầu loại tua-bin khí do nhà thầu chào cho dự án phải là loại tua-bin khí đã được cung cấp cho ít nhất hai tổ máy trên toàn cầu, trong đó có một tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại, là hoàn toàn phù hợp các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương cũng như thông lệ quốc tế", đại diện PV Power cho biết. Bên cạnh đó, Tư vấn Fitchner của dự án Nhơn Trạch 3&4 cũng cho rằng, hồ sơ mời thầu đã được soạn thảo với mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho chủ đầu tư thông qua việc cạnh tranh công bằng, giảm đến mức thấp nhất rủi ro thông qua việc thiết lập kỹ thuật cơ bản để tránh sử dụng công nghệ chưa hoàn thiện...
Cũng theo PV Power, trong quá trình đấu thầu lựa chọn Tổng thầu EPC dự án, chủ đầu tư đã hoàn toàn tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng, tiến độ, bảo đảm công khai, minh bạch trong tiến trình lựa chọn được nhà thầu tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi một số ý kiến trái chiều từ phía các nhà thầu khác tham gia, trong đó, có trường hợp phản ánh của Công ty Siemens Energy về tua-bin khí do hãng sản xuất. Giải thích về điều này, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo PV Power cho biết, đơn vị đã có nhiều buổi làm việc với đại diện hãng Siemens Energy, đề xuất việc mở rộng tiêu chí yêu cầu về tính kiểm chứng của tua-bin khí cũng như đề nghị chấp thuận sử dụng tua-bin khí 60Hz để tham khảo cho tua-bin khí 50Hz. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công nghệ tua-bin khí mới nhất của Siemens Energy là SGT5-9000HL tần số 50Hz mới chỉ bán duy nhất được một tổ máy trên thế giới và hiện tại tổ máy đó vẫn đang trong giai đoạn lắp đặt, xây dựng, chưa được kiểm chứng phát điện thương mại, cho nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều rủi ro về tính ổn định trong quá trình vận hành, cũng như hiệu quả kinh tế cho cả vòng đời dự án. Đồng thời, nếu số lượng tổ máy được xuất xưởng hạn chế như vậy, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa dự báo sẽ bị đội lên cao, việc đặt hàng vật tư dự phòng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Hiệu quả dự án là trên hết
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami) Đào Phan Long cho rằng, việc xung đột trong công tác đấu thầu tại các dự án quy mô lớn là chuyện bình thường và thường xuyên xảy ra. Các nhà thầu đều có lý do riêng bảo vệ chủ kiến của mình để đạt mục tiêu trúng thầu. Đối với dự án Nhơn Trạch 3 & 4, xét trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, với yêu cầu bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và đúng luật, việc rút ngắn thời gian cho công tác đấu thầu có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm đưa công trình vào vận hành thương mại. Thực tế thời gian qua, quá trình đấu thầu của nhiều dự án xảy ra chuyện tranh cãi lùm xùm, kéo dài thời gian khiến hiệu quả kinh tế của dự án giảm sút, thậm chí rơi vào tình cảnh đội vốn, thua lỗ. Trên thực tế, hãng Siemens Energy từng là một trong những đối tác chiến lược của PV Power khi đã cung cấp tua-bin khí và máy phát điện cho ba trong số bốn nhà máy điện khí mà đơn vị sở hữu và tham gia góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, với mong muốn xây dựng một nhà máy điện có hiệu suất cao và tin cậy trong cả vòng đời 25 năm của dự án Nhơn Trạch 3 & 4, bằng kinh nghiệm vận hành thực tế hơn 10 năm các cụm nhà máy tua-bin khí có công suất lớn nhất của Việt Nam như Cà Mau 1&2; Nhơn Trạch 1&2, chủ đầu tư dự án PV Power đã đưa vào hồ sơ mời thầu các yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chí lựa chọn nhà thầu một cách cụ thể, rõ ràng để hạn chế những nhược điểm đã từng gặp phải ở các dự án trước đây, cũng như phát huy tối đa ưu điểm, nhằm có được một nhà máy hiệu quả, an toàn nhất.
Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 đang là một trong các dự án tiên phong trong xu thế phát triển mới của các công trình nguồn điện Việt Nam. Việc thành công hay thất bại của dự án này sẽ là tấm gương tham chiếu cho các dự án nhiệt điện sử dụng LNG tiếp theo của quốc gia. Do vậy, việc lựa chọn công nghệ đã được kiểm chứng cần được khuyến khích và thực hiện cẩn trọng, không nên vì sức ép của bất cứ bên nào, làm ảnh hưởng tới mục tiêu chính của dự án là tối đa hiệu quả vận hành và giảm thiểu rủi ro, dẫn tới chệch hướng đầu tư. Nếu để việc đó xảy ra, không những thời gian đấu thầu bị kéo dài, tiến độ dự án bị chậm trễ mà còn phát sinh nguy cơ các công trình trọng điểm trở thành nơi thử nghiệm thiết bị mới trước khi được kiểm chứng trên toàn cầu. Nhiều dự án áp dụng công nghệ lạc hậu, không phù hợp trước đây và bài học của các dự án yếu kém ngành Công thương thời gian qua vẫn còn để lại hậu quả chưa xử lý dứt điểm là minh chứng rõ nhất cho việc này.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận