Tạo cú huých trong giải ngân vốn đầu tư công (Tiếp theo và hết) (*)

25/03/2020 11:49

Bài 2: Nâng cao chất lượng giải ngân

Dự kiến vào cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đây được coi là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá tình hình, đề ra những giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách. Nhưng ngay từ lúc này, song song với việc kiểm soát chặt chẽ, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cũng cần xây dựng và triển khai sớm các giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ, tạo bước đột phá, xóa bỏ tâm lý e dè trong triển khai nguồn vốn này.

Lắp đặt thiết bị tại cầu cảng nhập than thuộc dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Xây dựng cơ chế đột phá cho từng dự án

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển kinh tế - xã hội không thiếu và đã giao xong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho từng bộ, ngành, địa phương. Nhưng có thể thấy, thực tế triển khai các quyết định của Chính phủ chưa đạt hiệu quả như mong đợi và điểm nghẽn dường như lại nằm ở khâu áp dụng các cơ chế, chính sách.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long nhận định, cùng với hoàn thiện các hệ thống quy phạm pháp luật, định mức, đơn giá, việc xây dựng những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các công trình lớn, trong đó ưu tiên công trình trọng điểm, cấp bách như điện, giao thông rất cần thiết. Đồng thời, có giải pháp cụ thể, hài hòa nhằm cân bằng lợi ích giữa việc có thể làm tăng tổng mức đầu tư, nhưng thời gian thực hiện dự án rút ngắn, sớm đưa vào vận hành thương mại để khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu mạnh dạn áp dụng các sáng kiến kỹ thuật, tăng cường hiệu quả lao động. Nếu tình trạng “bó cứng” trong giải ngân, thanh toán như hiện nay còn tiếp diễn, hiệu quả đầu tư của các dự án công nghiệp chắc chắn sẽ không cao, kéo theo sức ì trong các đơn vị thi công, xây lắp. Ngoài ra, để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp trong nước, Nhà nước cần tính toán hỗ trợ về nguồn việc, thị trường, từ đó góp phần để các đơn vị này có điều kiện tích lũy đầu tư phát triển, tăng cường năng lực tham gia sâu hơn vào nhiều dự án cùng lúc.

Các nhà thầu thi công rất mong chờ những giải pháp đột phá nhằm “phá băng” tình trạng thi công cầm chừng. Với dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, càng gần đến mốc đốt lò vào cuối tháng 6, không khí công trường cũng ngày càng nóng lên. Trong khi đợi hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan, Ban dự án điện Sông Hậu 1 - LILAMA đã thành lập một bộ phận chuyên làm công tác thanh quyết toán, trong đó gồm một Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vào “nằm vùng” để sẵn sàng tham gia những phần việc vượt thẩm quyền quyết định của Ban Giám đốc Tổng thầu. Đồng thời hỗ trợ tốt những đoàn công tác của các bộ, ngành vào thực địa tại công trường để sớm hoàn thiện xây dựng bộ quy chuẩn xây dựng nhà máy nhiệt điện, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, thực tế vẫn rất cần những chính sách tháo gỡ cả về thanh toán và cơ chế bởi công trình càng kéo dài, hiệu quả càng thấp. Còn tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2, cho dù lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều đồng thuận “bơm” thêm vốn từ nguồn của tập đoàn để sớm đưa nhà máy vào vận hành thương mại, nhưng đề xuất đó vẫn chỉ nằm trên giấy hơn nửa năm qua. Phó Trưởng ban Quản lý dự án Nguyễn Hoàng Lâm đưa ra con số so sánh, để nhà máy chạy được cần thêm khoảng 2.500 tỷ đồng và đề xuất này không làm tăng tổng mức đầu tư. Hằng năm sẽ cung cấp sản lượng 7,2 tỷ kW giờ điện, trong khi nguồn điện đang thiếu hụt như hiện nay, ngành điện sẽ tốn khoảng 35 nghìn tỷ đồng để chạy dầu bù đắp cho sản lượng điện này.

Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy đánh giá: Đặc thù của ngành giao thông là hai phần ba thời gian đầu, tỷ lệ giải ngân bao giờ cũng chậm, do công tác giải phóng mặt bằng, đào đắp nền đường, tuy khối lượng nhiều, thời gian lâu nhưng giá trị lại thấp. Ngoài ra, việc thi công ngoài hiện trường phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, nếu gặp mùa mưa kéo dài, cả công trường dừng thi công, đồng nghĩa với giải ngân gần như bằng không. Khoảng một phần ba thời gian cuối cùng, khi dự án chuẩn bị hoàn thành, khối lượng giải ngân giai đoạn này thường rất lớn. Đơn cử năm 2019, Bộ GTVT được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công 30.046 tỷ đồng (gồm 1.146 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm trước sang), đến hết tháng 8, mới giải ngân 6.857 tỷ đồng, đạt 27,4%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra khoảng 3.435 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2019, Bộ đã giải ngân 25.028 tỷ đồng (đạt 83,3%). Năm nay cũng vậy, trong hai tháng đầu năm, Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 603 tỷ đồng, đạt 1,7% kế hoạch, đạt thấp so bình quân chung cả nước là 7,3%. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư/ban quản lý dự án (PMU) tập trung giải ngân kế hoạch năm 2019 trong tháng 1-2020, chưa có nhu cầu giải ngân kế hoạch năm 2020. Mặt khác, do trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các khối lượng có nhu cầu giải ngân không kịp làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước. Từ sau Tết đến nay, các đơn vị vẫn đang triển khai công tác phân khai chi tiết kế hoạch được giao. Quan trọng hơn là sự chuẩn bị sẵn sàng khi mùa cao điểm thi công diễn ra, trong đó đề cao vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo, điều hành; phối hợp các bộ, ngành, địa phương xử lý vướng mắc về thủ tục, mặt bằng,… nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng, giải ngân dự án. Không thể kéo dài tình trạng “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ năm này qua năm khác mà không xử lý cụ thể cá nhân, tập thể nào để nâng cao tính răn đe.

Cần sự chủ động vào cuộc

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, động năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nằm ở việc gia tăng sản lượng sản xuất, gia tăng đầu tư. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, đầu tư công không có dự án mới là điều rất đáng lo ngại. Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019-2020 (bao gồm vốn ODA); tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy hết mức công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng các cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, Nội Bài; xây dựng mới CHKQT Long Thành; đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020..., không được để chậm trễ như vừa qua. Đó đều là các dự án có mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng của nền kinh tế cho nên cần thúc đẩy tiến độ. Các dự án này sớm đi vào hoạt động sẽ có tác dụng kết nối nền kinh tế Việt Nam với thế giới và ngược lại, qua đó tạo ra sự năng động và tiềm năng tăng trưởng tương lai của nền kinh tế. Quá trình này có thể gặp những vướng mắc chưa tháo gỡ được ngay vì nằm trong luật, nghị định, cần thời gian để xem xét, sửa đổi. Nhưng nếu lãnh đạo các bộ, ngành chủ động đi tìm các nút thắt, tìm cách gỡ thay vì ngồi đợi làm theo đúng quy trình thì sẽ tìm được giải pháp. Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát ngay các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc tên, đề xuất cách tháo gỡ cụ thể cho từng dự án theo nguyên tắc vướng ở đâu, quy định nào, đầu mối nào xử lý... và đưa ra thời gian xử lý nhanh nhất có thể, thí dụ quy trình là ba tháng thì có thể chỉ làm trong ba tuần. Quan trọng nhất là người đứng đầu các bộ, ngành phải nhìn nhận các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là để thông đường, tháo bỏ hoặc giảm bớt các điểm tắc nghẽn cho nền kinh tế những năm tới, chứ không chỉ là để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, năm 2020, Bộ được Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 35.300 tỷ đồng. Bộ đã chỉ đạo các ban quản lý dự án (PMU) giải ngân theo từng tháng. Đến nay, Bộ đã giao chi tiết gần 27.637 tỷ đồng cho 28 chủ đầu tư/PMU; tập trung tại 11 PMU lớn và bốn sở GTVT, đạt gần 92%. Nếu tính cả phần giải ngân trả nợ dự án BT nút giao ngã ba Huế thì đạt gần 94%. Thời điểm này, chỉ còn khoảng 6% vốn chưa giao nằm tại các dự án chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục như dự án ODA chưa ký được hiệp định vay,… Nếu không giao sớm kế hoạch vốn, các đơn vị rất khó triển khai được dự án. Mà muốn giao được, cần phải hoàn tất các thủ tục, cho nên các đơn vị cần phải đẩy nhanh công tác này ngay từ những ngày đầu năm, tuyệt đối không chậm trễ. Để thúc đẩy tiến độ giải ngân năm nay, Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị phân công rõ ràng, cá thể hóa trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong quá trình quản lý đầu tư, nhất là việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, giải ngân. Tổ chức theo dõi có hệ thống từ các cơ quan tham mưu của Bộ tới các chủ đầu tư/PMU thông qua hệ thống báo cáo, kế hoạch giải ngân, quy trình thanh toán để kiểm soát chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư được giao, đề xuất kịp thời các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch. Các cơ quan tham mưu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đầu tư, thực hiện kế hoạch; nội bộ các chủ đầu tư/PMU kiểm tra, đôn đốc và xử lý ngay các vướng mắc tại hiện trường. Đồng thời, các cơ quan tham mưu phải rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo chức năng, nhiệm vụ được giao… “Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng đề án quản lý chất lượng công trình giao thông, sắp tới các PMU sẽ là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ về hồ sơ dự án, thay vì đại diện chủ đầu tư như hiện nay, nhằm nâng cao quyền hạn, trách nhiệm. Dự án thuộc nhóm nào mới cần lãnh đạo Bộ ký duyệt, tới đây sẽ có quy định cụ thể, còn lại sẽ giao giám đốc PMU ký, cho nên các PMU phải chủ động nâng cao năng lực thực hiện các dự án hiệu quả, bảo đảm chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

-------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-3-2020.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

 

 (Theo Nhandan.com.vn)

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận