Tiến lên “nấc thang” cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu
Với tỷ lệ nội địa hóa bình quân chỉ đạt 33% cho thấy mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn thấp. Tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển lần thứ hai (VRDF 2019) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ, để ngày càng có nhiều DN đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu,…
Chế tạo các thiết bị cơ khí tại nhà máy của Công ty cổ phần Lilama 18 (thành viên Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA).
Bài 1: Vì sao doanh nghiệp khó “vào chuỗi”?
Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không phải không có những cơ hội để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên phần lớn DN Việt Nam “lực bất tòng tâm”. Nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ chính năng lực của DN còn hạn chế và cả những trói buộc của cơ chế chính sách, khiến nhiều cơ hội bứt phá bị “trượt khỏi tầm tay”.
Bỏ lỡ những cơ hội “vàng”
Những ai yêu đội bóng Barca (Barcelona, Tây Ban Nha) đều nhớ đến dòng chữ BEKO được in trên tay áo bên trái của các cầu thủ. Đây chính là thương hiệu điện tử gia dụng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, với sản phẩm có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Năm 2015, BEKO có tốc độ phát triển nhanh nhất tại châu Âu trong suốt bảy năm qua. Cách đây ít năm, BEKO đã đến Việt Nam để đặt vấn đề liên doanh với Công ty CP Viettronics Tân Bình (VTB) xây dựng nhà máy sản xuất máy giặt xuất khẩu toàn cầu. Tổng Giám đốc VTB Vũ Dương Ngọc Duy cho biết, vấn đề BEKO quan tâm nhất là chi phí sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả chi phí thuế nhập khẩu linh kiện) sẽ như thế nào so với các nước trong khu vực. Để giải đáp câu hỏi này, VTB “gói” cả 50 linh kiện để sản xuất máy giặt (bao gồm 13 linh kiện đặt hàng trong nước và 37 linh kiện nhập từ nước ngoài) gửi cho Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) và đề nghị cho biết mức thuế nhập khẩu các linh kiện. Kết quả hoàn toàn bất ngờ khi Trung tâm này cho biết, thuế nhập khẩu của các linh kiện sẽ tương đương với thuế thành phẩm của máy giặt (từ 30 đến 35%). Theo quy định, nếu linh kiện nhập về có tính chất của thành phẩm thì phải tính theo thuế thành phẩm. Chẳng hạn như mô-tơ nhập về là mô-tơ máy giặt, có tính chất của máy giặt nên phải tính theo thuế thành phẩm máy giặt. Tương tự, bo mạch điều khiển máy giặt cũng phải tính thuế thành phẩm máy giặt,... Đeo đuổi câu chuyện gần một năm trời, VTB liên tục đưa ra các phân tích, phản biện và kiến nghị, nhưng kết quả cũng không thay đổi. Cuối cùng, VTB đành bỏ cuộc và BEKO quyết định chuyển sang mở nhà máy ở Thái-lan, nơi thuế nhập khẩu linh kiện gần như bằng 0%. “Mỗi lần nghĩ đến nhà máy của BEKO tại Thái-lan đang sản xuất hàng triệu chiếc máy giặt/năm, tôi lại thấy tiếc cho “cơ hội vàng” VTB đã để mất. Thực tế, không thể trách Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa xuất, nhập khẩu vì không có văn bản hướng dẫn cụ thể, họ phải áp thuế ở mức cao nhất cho “an toàn” nhằm không phải chịu trách nhiệm sau này. Nhưng như vậy là làm khó cho DN. Tôi đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Tài chính nhưng chuyện vẫn không đi đến đâu”, ông Duy chi sẻ.
Có thể coi Nhà máy chế tạo kết cấu thép và thiết bị cơ khí Lilama 18 là “cánh chim đầu đàn” của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama). Đây cũng là một trong những đơn vị cơ khí có đơn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, doanh thu hằng năm đạt khoảng 400 tỷ đồng. Tham quan nhà máy, chúng tôi thấy hàng trăm công nhân đang tích cực gia công chế tạo hàng loạt thiết bị cơ khí cho các hãng sản xuất lớn trên thế giới như: Koch (Mỹ), Danieli (I-ta-li-a),... chế tạo máy bốc liệu của cảng 600 tấn xuất sang Anh và 1.000 tấn xuất sang Ca-na-đa. Theo Giám đốc Nguyễn Khắc Thành, nghịch lý nằm ở chỗ, nhà máy dư thừa năng lực, hoạt động chưa hết công suất nhưng không dám nhận những hợp đồng đặt hàng lớn của đối tác nước ngoài vì không kham nổi áp lực về tiến độ giao hàng. Việc hoàn thành một đơn hàng mất khoảng 6 đến 8 tháng tùy mức độ, nhưng riêng việc tìm kiếm và nhập khẩu vật liệu từ nước ngoài cũng mất khoảng 2 đến 2,5 tháng, do công nghiệp luyện kim trong nước quá kém, nhất là các đơn hàng phi tiêu chuẩn, cần nhiều thời gian chuẩn bị nguyên liệu. Đặc thù của ngành cơ khí cần nguồn vốn lớn, nhưng mức lãi thấp. Nếu DN liều nhập trước nguyên liệu, mà không tìm được “đầu ra” sẽ cầm chắc phá sản. Nhiều đối tác làm ăn lâu với công ty cũng tạo điều kiện khi sẵn sàng giao đầu việc trong các dự án, công trình họ tham gia nếu bảo đảm sản xuất, nhưng thực tế để làm được điều này rất khó vì chưa biết bắt đầu từ đâu. Do vậy, đơn vị chỉ dừng ở mức độ nhận việc gia công, chứ chưa thể chủ động tham gia triển khai đầu việc của các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, khâu thủ tục hải quan vẫn còn khá rườm rà, bất cập cũng làm mất thời gian, chi phí (lưu kho, vận chuyển...) cho DN.
Nền công nghiệp thuần gia công
Một trong những ngành hàng có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi toàn cầu là ngành dệt may. Trong nhiều năm qua, mức tăng trưởng của ngành luôn đạt hai con số, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên tới hàng tỷ USD, nhưng mức tăng trưởng về giá trị còn thấp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương phân tích, một chiếc áo sơ-mi loại trung bình xuất khẩu sang thị trường Mỹ có giá 6 USD, riêng chi phí nguyên phụ liệu đã chiếm mất 3 USD, gia công chỉ chiếm 1,2 USD (bao gồm tất cả các chi phí về thùng, hòm, móc, túi,...) cộng với các khoản thuế, phí xuất khẩu vào khoảng 1,8 USD. Sau khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ, bán đến tay người tiêu dùng khoảng 11 đến 12 USD. Các DN dệt may Việt Nam mới tham gia vào chuỗi giá trị ở khâu gia công đơn giản, sử dụng nhân công nhiều nhất, nhưng mang giá trị rất thấp. Trong chuỗi sản xuất dệt may, 80% lao động nằm ở khâu may và chia đều cho các khâu khác, lợi nhuận chỉ khoảng 20% giá trị. Trong khi đó, đầu vào (trồng bông đến nhuộm hoàn tất) chỉ chiếm 15% nhân công nhưng mang lại khoảng 60% giá trị trong chuỗi, hay khâu cuối (phân phối, thương mại, dịch vụ) chỉ chiếm 5% nhân công nhưng có giá trị hơn 20%.
Tương tự như dệt may, điện tử là ngành hàng mà Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu đứng thứ 12 thế giới và thứ ba trong khối ASEAN với giá trị hàng chục tỷ USD mỗi năm. Năm 2018, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5% so năm 2017; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%. Việt Nam còn là một trong những công xưởng sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới, điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn FDI lớn như Samsung, LG, Panasonic, Intel,… Những tưởng thời cơ đã “chín muồi” để các DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua cung ứng linh kiện, phụ kiện cho các hãng lớn, tuy nhiên, thực tế không diễn ra như mong đợi. Phó Cục trưởng Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Hoa Cương cho biết, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang phải nhập khẩu đến 77% linh kiện, trong đó nhập khẩu linh kiện điện, điện tử cơ bản lên tới hơn 98%; nhập khẩu linh kiện điện, điện tử chuyên dụng hơn 84%;… số linh kiện sản xuất trong nước chỉ chiếm gần 6%. Điều đó cho thấy, vai trò của các DN trong nước rất mờ nhạt, phần lớn chỉ tham gia những công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản, giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Dù đã có một số DN Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực điện tử, nhưng chủ lực xuất khẩu vẫn là các DN nước ngoài (khâu có giá trị gia tăng cao), do đó mức lợi nhuận của DN trong nước rất thấp so với đối tác.
Những câu chuyện trên không phải hiếm trong bức tranh thị trường hiện nay. Phần lớn DN Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ (chiếm 97%), năng lực vốn và quản trị thấp, khó nắm bắt cơ hội để vượt lên khi cơ chế, chính sách còn nhiều rào cản. Đơn cử như ngành cơ khí trong nước hiện nay cũng mới chỉ dừng ở mức “tính cân ăn tiền”, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm còn rất thấp. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 18 Trần Sỹ Quỳnh cho biết, để được các đối tác lớn trên thế giới chấp nhận, Lilama 18 phải trải qua một quá trình “lột xác” toàn bộ quy trình sản xuất dưới sự giám sát gắt gao của các đối tác. Mặc dù lợi nhuận từ xuất khẩu cao hơn gia công trong nước, nhưng vẫn thua xa các DN cơ khí nước ngoài. Lilama 18 mới chỉ được trả công theo tấn nguyên liệu (khoảng 2 đến 4 USD/kg), trong khi DN khác được tính công trên tấn thiết bị (có hàm lượng chất xám), với giá ít nhất từ 10 USD/kg trở lên.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng dẫn chứng, trước năm 2003, các sản phẩm cơ khí thủy công Việt Nam phải nhập từ Nga, U-crai-na, Trung Quốc với giá trung bình 2.000 USD/tấn, khi chúng ta làm chủ thiết kế, chế tạo, giá thành trung bình giảm xuống còn dưới 1.500 USD/tấn. Nếu tính tổng giá trị thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, con số này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Hoặc một số thiết bị của nhà máy nhiệt điện như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống băng tải bốc dỡ than, thải tro xỉ,… sau khi chúng ta làm chủ về thiết kế và chế tạo, giá thành đã giảm khoảng 20%, đồng thời tiến độ hoàn thành dự án cũng được rút ngắn, đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Đây là những phần việc các DN trong nước hoàn toàn làm chủ, có khả năng cạnh tranh và có thể tham gia chuỗi giá trị trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ một số dự án đầu tư công ưu tiên sử dụng thiết bị cơ khí sản xuất trong nước, còn những dự án liên quan vốn vay nước ngoài hoặc đấu thầu quốc tế đều “vắng bóng” những sản phẩm này. Theo lộ trình, hằng năm sẽ triển khai xây dựng các công trình đầu mối lớn, nhất là về nhiệt điện, nhưng vài năm gần đây, các công trình công nghiệp trọng điểm chậm triển khai, dẫn đến “đất diễn” bị thu hẹp, kìm hãm đà hiện đại hóa, mở rộng sản xuất, vươn tới chuỗi giá trị toàn cầu của các sản phẩm này. Các “cơ hội vàng” bị bỏ lỡ dù chưa khiến các DN trượt ngã, song đã kìm hãm họ quá nhiều trong quá trình phát triển, lớn mạnh.
Ngành dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng có tới 80% tỷ lệ nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại,... Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2018, đạt hơn 36 tỷ USD nhưng chúng ta phải bỏ ra hơn 22 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, khiến giá trị thu về của ngành rất nhỏ so với hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đạt được hằng năm. LÊ TIẾN TRƯỜNG Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) |
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận